Hiện nay, rất nhiều khách hàng tham gia vay vốn tại ngân hàng với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên vẫn có nhiều người vay vốn còn bỡ ngỡ cách tính lãi suất vay của ngân hàng. Nắm rõ cách tính lãi suất vay ngân hàng sẽ giúp bạn trong quá trình lựa chọn gói vay vốn tốt nhất. Hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này.
1. Khái niệm
Lãi suất vay ngân hàng là phần trăm tỷ lệ của số tiền lãi trên số vốn vay. Thời gian của mức lãi suất thường tính trong vòng 12 tháng. Lãi suất vay sẽ do chính các ngân hàng tự quy định nhưng vẫn phải đúng theo quy định ban hành của Ngân hàng Nhà nước.
2. Các cách thức cho vay tại ngân hàng
Vay tín chấp: Đây là hình thức các ngân hàng cho vay vốn mà người đi vay không cần tài sản đảm bảo, thực hiện vay vốn chỉ cần dựa trên uy tín của chính mình. Mức lãi suất cho vay tín chấp tại các ngân hàng hiện nay giao động từ khoảng 16-25%/năm.
Vay thế chấp: Hình thức này thì người đi vay phải có tài sản đảm bảo mới được vay vốn. Tùy vào mục đích vay vốn của khách hàng mà vay thế chấp có các mức lãi suất vay ngân hàng khác nhau, có thể giao động trong khoảng 8 – 12%/năm.
Vay thấu chi: Nếu một khách hàng cá nhân đang có tài khoản thanh toán số tiền không đủ để thực hiện nhu cầu của họ, họ muốn tiêu số tiền lớn hơn số đang có thì ngân hàng sẽ cung cấp hình thức vay thấu chi. Khi tài khoản thanh toán của họ bằng 0 VND thì vẫn có thể chi trả vượt mức vì ngân hàng đã cấp cho tài khoản đó một hạn mức tiêu tối đa. Khách hàng tham gia vay thấu chi sẽ có những hạn mức tối đa tuỳ vào độ uy tín của họ mà ngân hàng đánh giá.
3. Những loại lãi suất vay tại ngân hàng
Lãi suất vay cố định
Với lãi suất cố định thì sẽ tính lãi vay sẽ tính cho từng tháng là như nhau. Khoản lãi suất sẽ không thay đổi trong suốt thời hạn vay. Việc không đổi vậy sẽ giúp người vay giảm bớt áp lực trả lãi, cũng như những rủi ro trong biến động lãi suất vay.
Ví dụ: Chị A có vay ngân hàng số tiền 16.000.000 VND hạn 1 năm với lãi suất cố định là 12%/năm. Vậy số tiền lãi cố định chị A sẽ trả hàng tháng trong 1 năm chính xác là: 16.000.000 x (12%/12) = 160.000 VND/ tháng.
Lãi suất vay thả nổi
Đây là hình thức lãi suất thay đổi theo các chính sách, quy định của ngân hàng vào từng thời kỳ áp dụng. Cách tính lãi suất vay thả nổi thường có công thức như sau:
Lãi suất vay thả nổi = Lãi suất cơ sở + biên độ lãi suất
Trong công thức, lãi suất cơ sở được tính theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ với kỳ hạn khác nhau như 1 năm, 13 tháng, 2 năm. Biên độ lãi suất thường được quy định cụ thể trong hợp đồng vay. Nó sẽ được áp dụng thành mức cố định trong suốt thời hạn hợp đồng.
Ví dụ: Anh C làm hợp đồng vay 30.000.000 VND đáo hạn 1 năm. Mức lãi suất ở 6 tháng đầu là 1%/tháng. Sau 6 tháng cuối thì sẽ là lãi suất thả nổi.
Theo như hợp đồng thì lãi suất vay ngân hàng trong 1 tháng sẽ là:
30.000.000 x 1% =300.000 VND. Như vậy, anh C phải trả 300.000 VND/tháng trong vòng 6 tháng.
Sau tháng thứ 6, bước qua một tháng mới, lãi suất tính sẽ dựa trên lãi suất hiện tại của thị trường. Đây có thể là cơ hội hoặc may mắn cho người khách hàng, bởi sự biến động của lãi thị trường không nói trước. Có thể mức lãi suất thả nổi này sẽ thấp hơn hoặc cao hơn so với mức lãi cố định ban đầu.
Lãi suất vay hỗn hợp
Hình thức kết hợp giữa lãi cố định và lãi thả nổi sẽ tạo thành lãi suất vay ngân hàng hỗn hợp. Trong khoảng thời gian đầu của khoản vay, phần lãi sẽ tính theo cố định. Sau khi hết thời gian cố định, lãi sẽ chuyển sang là lãi suất thả nổi. Khi ký kết hợp đồng vay, ngân hàng có quy định cụ thể khoảng thời gian cho từng phần lãi suất. Bên cạnh đó, gói vay khách hàng sử dụng cũng quyết định vào khoảng thời gian sử dụng lãi suất cố định. Tuy nhiên, khi thời hạn cho lãi thả nổi được áp dụng sẽ làm khách hàng khó khăn trong tính toán lãi phải trả và các biến động bất thường có thể xảy ra trên thị trường,
4. Hướng dẫn tính lãi vay ngân hàng
Tính lãi vay dựa vào dư nợ giảm dần
Đây là cách tính lãi vay dựa vào những lần thanh toán trước đó đã được trừ ra khỏi số tiền gốc bạn thì sẽ ra số tiền thực còn phải trả. Số tiền lãi phải nộp giảm dần ứng với số dư nợ giảm dần. Trong thời gian vay vốn, mức lãi suất ghi trong hợp đồng đã ký có thể thay đổi. Do đó, bạn có thể phải chịu thêm khoản chi phí điều chỉnh mức lãi suất theo quy định của ngân hàng.
Tính lãi suất vay ngân hàng theo dư nợ giảm dần:
Tiền gốc mỗi tháng = Số tiền gốc đã vay / Số tháng thời hạn vay
Tiền lãi vay cho tháng đầu tiên = Số tiền gốc đã vay x Lãi suất vay của mỗi tháng
Tiền lãi vay cho các tháng tiếp = Số tiền gốc còn lại phải trả x Lãi suất vay mỗi tháng
Ví dụ: Bạn vay ngân hàng số tiền là 60.000.000 VND với mức lãi suất là 12%/năm trong vòng 1 năm. Vậy tiền lãi vay bạn phải trả là:
Tiền gốc phải trả mỗi tháng = 60.000.000/12 = 5.000.000 VND/tháng
Tiền lãi vay phải thanh toán tháng đầu = (60.000.000 x 12%)/12 = 600.000 VND
Tiền lãi thanh toán tháng thứ 2 = (60.000.000 – 5.000.000) x 12%/12 = 550.000 VND
Tương tự như tính lãi vay của tháng thứ 2, các tháng tiếp theo sẽ tính như vậy cho đến khi bạn trả hết nợ vay cho ngân hàng.
Tính lãi vay dựa vào dư nợ gốc ban đầu
Hình thức tính lãi suất vay ngân hàng dựa trên dư nợ ban đầu không thay đổi cho mỗi tháng. Điều này có nghĩa, lãi suất vay vẫn luôn cố định cho đến khi khách hàng hoàn trả hết khoản nợ vay cho dù tiền nợ gốc mỗi tháng có thanh toán cho ngân hàng.
Công thức:
Số tiền phải trả cho ngân hàng mỗi tháng = Số dư nợ gốc x Lãi suất vay năm / Thời hạn vay
Ví dụ: Bạn vay ngân hàng 12.000.000 VND với lãi suất vay 12%/năm đáo hạn 1 năm.
Số tiền gốc bạn phải trả ngân hàng mỗi tháng = 12.000.000 / 12 tháng = 1.000.000 VND/ tháng
Số tiền lãi vay phải trả mỗi tháng = (12.000.000 x 12%) / 12 tháng = 120.000 VND/ tháng
Vậy mỗi tháng bạn sẽ phải trả ngân hàng số tiền là 1.120.000 VND
Tùy vào mục đích vay vốn của khách hàng cá nhân mà ngân hàng sẽ áp dụng các hình thức lãi vay khác nhau. Đối với vay tài sản thế chấp cho mục đích tiêu dùng, kinh doanh – sản xuất thì thường được ngân hàng tư vấn sử dụng lãi suất dư nợ gốc giảm dần.
Qua bài viết, bạn đã nắm rõ cách tính toán lãi suất vay ngân hàng giản đơn mà cũng rất chính xác. Hi vọng nếu đang có ý định vay vốn cho các mục tiêu kế hoạch bản thân thì bạn sẽ đưa ra lựa chọn tốt nhất gói vay vốn phù hợp nhất.