Năm 2018 là năm có nhiều biến động đối với nền kinh tế thế giới. Những biến động tài chính trong năm 2018 chủ yếu là do chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ đã tạo ra làn sóng phản đối của nhiều quốc gia và đỉnh điểm là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Đây cũng là năm cực kỳ khó khăn đối với những nhà đầu tư tài chính toàn cầu.
Khái niệm về kinh tế thế giới
Kinh tế thế giới là quá trình hoạt động của các nền kinh tế trong khối kinh tế chung toàn cầu bao gồm 194 quốc gia đã được công nhận. Kinh tế thế giới liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực nên khi nghiên cứu cần tính toán các yếu tố chính trị, xã hội, môi trường, dân số,…
Kinh tế thế giới có thể được định lượng theo nhiều cách khác nhau (ví dụ theo USD). Kinh tế thế giới không thể tách rời những yếu tố liên quan do đó khi xác định những yếu tố này đều cần phải được xem xét. Ví dụ như yếu tố về tài nguyên và địa lý sẽ cần phải xem xét để loại trừ những nguồn tài nguyên nằm ngoài Trái Đất (việc khai thác các nguồn tài nguyên trên Sao Hỏa). Một cách dễ hiểu hơn, nền kinh tế của thế giới sẽ chỉ bao gồm hoạt động kinh tế của con người trên phạm vi Trái Đất.
Tổng quan về nền kinh tế thế giới giai đoạn 2005 – 2010
Năm 2005 là năm tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Đức. Trong năm này, tổng sản phẩm thế giới (GWP) tăng 4,6%, trong đó Trung Quốc là 9,3%, Ấn Độ 7,6%, Nga 5,9% và Mỹ với 3,5%. Các quốc gia thuộc nhóm đang phát triển thì có những kết tăng trưởng khác nhau do nhiều vấn đề về chính trị và dân số nên có sự sụt giảm trong việc phát triển kinh tế.
Năm 2007, những nền kinh tế mạnh như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông – Bắc Á phát triển mạnh mẽ và chiếm hơn 75% GWP. Trong đó phát triển nhất là ngành dịch vụ với 64%, công nghiệp cũng phát triển mạnh trong thời điểm này và đóng góp 32% và cuối cùng là nông nghiệp với 4%. Thị trường lao động lại có sự phân bổ trái ngược với sự mức đóng góp kinh tế khi có đến 40,9% lực lượng lao động làm nông nghiệp, 20,6% làm công nghiệp và 38,5% trong ngành dịch vụ.
Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ từ sau đại suy thoái (1930) diễn ra thì năm 2009 toàn thế giới lại lần nữa chứng kiến GWP sụt giảm và đến năm 2010 mới tăng trưởng trở lại.
Tổng quan về bảng xếp hạng nền kinh tế thế giới 2018
Năm 2018 là năm có nhiều biến động đối với hệ thống tài chính toàn cầu và cũng là năm trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra tạo ra nhiều tổn thất cho nền kinh tế chung thế giới. Những biến động tài chính trong năm 2018 chủ yếu là do chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, điều này đã tạo ra làn sóng phản đối của nhiều quốc gia và đỉnh điểm là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Bảng xếp hạng nền kinh tế thế giới 2018
Bảng xếp hạng này được so sánh dựa trên số liệu từ Ngân hàng thế giới (World Bank) (7/7/2018) dựa trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước.
Top 5 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng này là Mỹ với GDP danh nghĩa đạt 20.494,1 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 13.608,2 tỷ USD, đứng thứ ba là Nhật Bản 4.970,9 tỷ USD, sau đó là Đức 3.996,8 tỷ USD và cuối cùng là Anh với GDP 2.825,2 tỷ USD.
Nếu dựa trên chỉ số GNI (Gross national income – tổng thu nhập của một quốc gia trong một thời gian nhất định) thì nước đứng đầu là Thuỵ Sỹ với GNI theo đầu người là 83.580 USD, tiếp theo là Na Uy với GNI năm 2018 là 80.790 USD và đứng thứ ba là Đảo Man thuộc Anh với 80.340 USD.
Những sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến kinh tế thế giới
Chiến tranh thương mại
Nếu nhắc đến năm 2018 thì không thể bỏ qua chiến tranh thương mại giữa những nền kinh tế lớn trên thế giới. Với tuyên bố “Make America great again” (Làm nước Mỹ hùng mạnh trở lại), tổng thống Donald Trump đã thực hiện nhiều chính sách về thương mại và đã khởi động nên một cuộc chiến không khói súng với nhiều quốc gia khác trên thế giới để giảm thâm hụt, trong đó nổi bật nhất là chính sách liên quan đến thuế nhập khẩu.
Từ sau chính sách này, nhiều quốc gia có liên quan mật thiết đến Mỹ như các nước đồng minh hay quốc gia có lượng xuất khẩu lớn vào nước Mỹ là Trung Quốc cũng ra những chính sách mới để tăng mức thuế nhập khẩu để trả đũa.
Trong cuộc chiến này nổi bật nhất là hai nước Mỹ -Trung khi mức thuế nhập khẩu Mỹ áp lên cho hàng hoá Trung Quốc đã lên tới 250 tỷ Đô la Mỹ thì nước này cũng đáp trả bằng cách áp mức thuế nhập khẩu lên hàng hoá của Mỹ là 110 tỷ Đô la Mỹ. Không chỉ Trung Quốc hay Mỹ mà còn rất nhiều quốc gia khác và cả tăng trưởng toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. Người chịu thiệt ở đây chính là doanh nghiệp sản xuất khi chuỗi cung ứng hàng hoá bị gián đoạn, phải thay đổi kế hoạch sản xuất và người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng bởi giờ đây họ phải mua hàng hoá với mức giá cao hơn.
Các sàn chứng khoán chao đảo
Không chỉ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mà ngay cả lĩnh vực đầu tư tài chính cũng gặp phải nhiều khó khăn. Chứng khoán Mỹ đã chứng kiến hai lần lên đỉnh vào tháng 1 và tháng 9 nhờ những bình luận lạc quan của FED thì sau đó đều giảm khoảng 10% từ đình. Kể cả những cổ phiếu thuộc danh sách S&P 500 cũng có số phiên biến động từ 2% trở lên. Nhiều người cho rằng cuộc chiến Mỹ -Trung đã gây nhiều tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư và chính sách này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Không chỉ chứng khoán Mỹ mag chứng khoán Trung Quốc cũng gặp nhiều vấn đề với chính sách thương mại trên khi giá cổ phiếu nước này liên tiếp đi xuống khiến vốn hóa bốc hơi 2.000 tỷ Đô la Mỹ. Một lý do khác là do các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc đã không mang lại kết quả như mong muốn.
Tiền điện tử mất giá
Một lĩnh vực tài chính khác cũng gặp khó khăn là Bitcoin. Điều đáng nói là trong năm 2017 giá tiền ảo Bitcoin đã tăng lên gần 20.000 Đô la Mỹ chỉ sau vài tháng. Nhiều sàn giao dịch lớn trên thế giới cho phép giao dịch và đầu tư tiền ảo, và nhiều ứng dụng khác của tiền ảo được nhiều công ty và doanh nghiệp chấp nhận đã mở ra nhiều tiềm năng phát triển cho thị trường này.
Tuy nhiên, mọi thứ đã không được như kỳ vọng của các nhà đầu tư, trong khi nhiều người đổ tiền đầu tư để mua coin thì nhiều tổ chức chính phủ trên thế giới đã phản ứng rất gay gắt với tiền ảo và không cho phép thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan, điều này đã khiến cho Bitcoin mất giá gần 80%. Là đồng tiến phổ biến và mạnh nhất hiện nay nên việc Bitcoin bị rớt giá cũng kéo theo sự mất giá lên đến 90% của những đồng tiền tiềm năng khác như Ethereum, Ripple,…
Biến động về giá dầu
Trong suốt 6 tháng đầu năm 2018 thì giá dầu thô luôn nằm ở mức ổn định sau đó tăng vọt lên vào tháng 10 (đỉnh giá trong 4 năm liên tiếp). Việc giá dầu tăng là do Mỹ khôi phục lệnh trừng phạt lên Iran và tạo ra làn sóng lo ngại sẽ thiếu lượng cung dầu thô trong năm 2019.
Sau khi được chứng minh rằng dự đoán này là thiếu căn cứ, giá dầu thô đã tụt hơn 23% chỉ trong vòng 6 tuần và tiếp tục ở đáy trong suốt những tháng cuối năm. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước đồng minh đã phải họp để tuyên bố sẽ giảm sản xuất 1,2 triệu thùng một ngày trong năm tới để tạo ra sức hút giúp giá dầu tăng trở lại nhưng điều này vẫn không được cải thiện gì nhiều.
Kết luận
Nhiều sự kiện thương mại đã diễn ra và tạo nên nhiều biến động cho nền kinh tế thế giới trong năm 2018 ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hy vọng bài viết trên đã cho bạn cái nhìn tổng quan hơn về một năm kinh tế quan trọng của lịch sử kinh tế toàn cầu.