Hình thức điện chuyển tiền là gì? Thực hiện thanh toán T/T

Kinh doanh quốc tế càng phát triển nên các hình thức thanh toán bằng tiền mặt được thay bằng hình thức thanh toán khác hiện đại hơn. Một trong những hình thức được sử dụng phổ biến là điện chuyển tiền T/T. Thanh toán T/T phù hợp với các hợp đồng với giá trị nhỏ, hai bên mua bán có thời gian hợp tác lâu dài và tin tưởng nhau, hoặc dùng trong công ty mẹ-con. Cùng tìm hiểu kỹ hơn thanh toán T/T qua bài viết này. 

1 .Điện chuyển tiền là gì?

Khái niệm

Điện chuyển tiền – Telegraphic Transfer phương thức thanh toán quốc tế. Trong phương thức này, bên khách hàng sẽ ủy nhiệm cho ngân hàng trung gian trích một số tiền cụ thể từ tài khoản của họ chuyển đến tài khoản cho bên bán. Phương thức chuyển có thể là Telex hoặc Swift tùy vào bên khách hàng. 

điện chuyển tiền
Hình thức thanh toán T/T

Phân biệt phương pháp T/T và TTR

Bên cạnh phương thức thanh toán điện chuyển tiền T/T thường sử dụng phổ biến thì còn một phương thức ít sử dụng hơn là TTR. Telegraphic Transfer Reimbursement – TTR hình thức thanh toán trong tờ khai hải quan. Khác với T/T thì TTR thanh toán có bồi hoàn lại tiền. Ngân hàng chiết khấu thanh toán được phép đòi bồi hoàn lại bằng điện, dùng trong thanh toán L/C.

Hình thức thanh toán

  • Thanh toán trả trước: Bên nhập khẩu sẽ thực hiện thanh toán cho bên xuất khẩu trước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền của hợp đồng, đơn hàng trước khi họ nhận được hàng.
  • Thanh toán ngay: Bên nhập khẩu sau khi nhận được hàng hóa kèm bộ chứng từ thì tiến hành thanh toán điện chuyển tiền ngay cho bên xuất khẩu.
  • thanh toán tại một ngày nhất định: bên nhập khẩu sẽ phải thực hiện thanh toán tiền hàng cho bên bán (xuất khẩu) vào một ngày cụ thể đã chọn trước đó trong hợp đồng, ngày này trước khi bên mua (nhập khẩu) nhận được hàng kèm chứng từ.
điện chuyển tiền
Thanh toán Swift

2. Các thành phần trong phương thức T/T

Các bên tham gia vào quy trình T/T:

  • Remitter – người chuyển tiền: đây là bên sẽ yêu cầu ngân hàng thực hiện giao dịch chuyển tiền trong nước ra nước ngoài. Người chuyển tiền có thể là bên nhập khẩu hàng, người đầu tư hay con nợ,…
  • Beneficiary – người thụ hưởng: đây là bên nhận tiền từ người chuyển tiền thông qua ngân hàng trung gian. Bên nhận tiền có thể là người xuất khẩu hàng, chủ nợ, công ty mẹ,….
  • Remitting bank – ngân hàng chuyển tiền: đây là ngân hàng trung gian thực hiện giao dịch chuyển tiền với số tiền theo yêu cầu của người chuyển.
  • Paying bank – ngân hàng thanh toán: đây là ngân hàng sẽ nhận được tiền từ ngân hàng chuyển tiền tới. Ngân hàng thanh toán ở nước ngoài sẽ trả tiền cho bên thụ hưởng.

3. Quy trình thực hiện thanh toán T/T

  • Ngân hàng chuyển tiền và ngân hàng thanh toán thực hiện giao dịch điện chuyển tiền vào tài khoản trực tiếp thì các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Bên xuất khẩu sẽ gửi cho bên nhập khẩu hàng hóa kèm theo chứng từ như vận đơn, hóa đơn, các khoản bảo hiểm (nếu có),…

Bước 2: Bên nhập khẩu sau khi kiểm tra lại bộ chứng từ nhận từ bên xuất khẩu đúng với hợp đồng thì bên nhập khẩu sẽ thực hiện yêu cầu bên ngân hàng trung gian chuyển tiền kèm ủy nhiệm chi cho bên xuất khẩu.

Bước 3: Ngân hàng check lại bộ chứng từ và yêu cầu chuyển tiền của bên nhập khẩu, thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu và gửi lại giấy báo nợ cho họ.

Bước 4: Ngân hàng trung gian sau khi chuyển tiền qua bên tài khoản của xuất khẩu sẽ yêu cầu ngân hàng thụ hưởng thanh toán số tiền đó cho bên xuất khẩu.

Bước 5: Ngân hàng thanh toán ghi nhận các khoản tiền nhận được vào tài khoản người thụ hưởng là bên xuất khẩu.

điện chuyển tiền
Các bước thực hiện chuyển tiền bằng điện
  • Hai ngân hàng không thực hiện giao dịch điện chuyển tiền vào tài khoản trực tiếp thì các bước thực hiện như sau:

Các bước thực hiện từ bước 1 đến bước 3 tương đối giống với khi chuyển trực tiếp vào tài khoản của hai bên. Tuy nhiên, sự khác biệt ở bước 4 trở đi như sau:

Bước 4: Ngân hàng trung gian sẽ chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng đại lý ở Mỹ, lúc này ngân hàng chuyển tiền ghi Nợ vào tài khoản bên nhập khẩu.

Bước 5:  Ngân hàng đại lý Mỹ sẽ ghi Có một khoản tiền vào tài khoản của họ, sau đó, thực hiện giao dịch chuyển tiền tới tài khoản của ngân hàng thanh toán.

Bước 6: Ngân hàng thanh toán sau khi nhận được tiền thì ghi tăng tiền trong tài khoản của bên xuất khẩu. 

4. Ưu nhược điểm của T/T

Phương thức chuyển tiền bằng điện có những ưu nhược điểm như sau:

Ưu điểm

  • Chi phí thực hiện giao dịch điện chuyển tiền tiết kiệm hơn so với phương thức LC;
  • Bên nhập khẩu không có tình trạng đọng vốn ký quỹ như LC;
  • Quy trình thực hiện nhanh chóng, nghiệp vụ dễ dàng;
  • Ít rủi ro phát sinh và bên xuất khẩu có thể thu được số tiền hàng hóa ngay với hình thức thanh toán trả trước bằng điện chuyển tiền;
  • Với hình thức thanh toán trả sau sẽ giúp bên nhập khẩu có thể kiểm tra, xác nhận hàng hóa trước khi thực hiện chuyển trả số tiền hàng;
  • Với điện chuyển tiền thông qua ngân hàng thì vị trí của ngân hàng chỉ là bên trung gian thực hiện các giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của bên nhập khẩu nên không bị ràng buộc và thu được số tiền phí thủ tục.
điện chuyển tiền
Điện chuyển tiền với những ưu điểm

Nhược điểm

  • Thanh toán trả sau hay thanh toán ngay

Mặc dù có ưu điểm là có hình thức thanh toán trả tiền sau khi nhận hàng có lợi cho bên mua, tuy nhiên điều này còn phải phụ thuộc vào thiện chí, tình hình tài chính của bên nhập khẩu hay bên mua. Đây được xem là rủi ro nhất của hình thức thanh toán điện chuyển tiền, bên người bán hay xuất khẩu khó có thể đảm bảo quyền lợi của mình. 

Vì vậy, khi đã quyết định sử dụng phương thức T/T thì hai bên mua và bán đã có sự hợp tác lâu dài, độ tin cậy cao, sự tín nhiệm và có thể là công ty mẹ – con,…

Sẽ có những trường hợp bên mua (nhập khẩu) không nhận hàng và bên bán (xuất khẩu) phải chịu tất cả phí xuất – nhập khẩu. Bên xuất khẩu thu hồi vốn chậm làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh ở tương lai. 

Để đảm bảo quyền lợi của bên bán thì điện chuyển tiền nên sử dụng vào các khoản thanh toán chi phí liên quan đến quá trình xuất – nhập khẩu có số tiền tương đối nhỏ như phí vận chuyển, phí bảo hiểm, các khoản bồi thường khi có thiệt hại, phí mậu dịch, ….

  • Thanh toán trả trước

Với hình thức thanh toán trả trước này, bên có rủi ro cao là bên người mua (nhập khẩu). Khi bên nhập khẩu đã tiến hành thanh toán trước số tiền hàng thì bên xuất khẩu vẫn không chuyển hàng hoặc chuyển hàng trễ, lúc này bên mua (nhập khẩu) ở tình thế bị động có thể nhận hàng chậm hoặc không có hàng để nhận. Tác động tới dòng tiền kinh doanh của bên nhập khẩu và rủi ro rất cao cho quá trình sản xuất. Do đó, bên nhập khẩu khó mà chấp nhận thanh toán trước tiền hàng khi mà chưa nhận được hàng.

Qua bài viết, người đọc đã có những thông tin cơ bản về hình thức thanh toán điện chuyển tiền T/T với quá trình chuyển tiền, hình thức thanh toán. Mặc dù thanh toán T/T cực kỳ tiện lợi và nhanh chóng, tuy nhiên nó cũng không ít rủi ro tiềm tàng. Hãy suy nghĩ cẩn thận phương thức thanh toán phù hợp với doanh nghiệp trước khi đưa quyết định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *