HOSE là gì là một trong các câu hỏi được các nhà đầu tư mới hỏi nhiều nhất. HOSE là một sàn giao dịch chứng khoán tại nước ta, có những đặc điểm và quy định riêng. Vậy, sau đây chúng ta cùng tìm hiểu tổng quan về sàn này để giải đáp HOSE là gì.
1. HOSE là gì?
HOSE là tên viết tắt của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Stock Exchange). Hiện nay HOSE là sàn giao dịch chứng khoán có tỷ trọng vốn hóa hàng đầu nước ta, sàn niêm yết nhiều cổ phiếu bluechip và có yêu cầu khắt khe hơn các sàn khác.
HOSE đi vào hoạt động ngày đầu tiên cách đây 20 năm, vào tháng 7/2000 và bấy giờ chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết là SAM và REE. HOSE tiến hành giao dịch theo lịch từ thứ hai đến thứ sáu, với mốc thời gian cụ thể:
- Đợt đầu: HOSE mở phiên từ 9 giờ sáng đến 9 giờ 15 sáng, với giao dịch khớp lệnh định kỳ chốt giá mở cửa ATO.
- Đợt thứ hai: Từ 9 giờ 15 sáng đến 11 giờ 30 phút với giao dịch khớp lệnh liên tục.
- Đợt thứ ba: HOSE mở từ 1 giờ chiều đến 2 giờ 30 phút chiều, với giao dịch khớp lệnh liên tục.
- Đợt cuối: Từ 2 giờ 30 phút đến 2 giờ 45 phút chiều với giao dịch khớp lệnh định kỳ, chốt giá đóng cửa ATC.
Hiện nay khi mua cổ phiếu tại sàn HOSE, các bạn cần biết mức tối thiểu là 100 cổ phiếu/lô, vậy nên bạn chỉ có thể đặt lệnh giao dịch là bội số của 100 cổ phiếu. Về thời gian thanh toán, ở nước ta, không chỉ riêng gì HOSE, mà tất cả các sàn đều phải tuân theo thời gian thanh toán là T+3 với T là ngày bạn khớp lệnh giao dịch.
Ví dụ như bạn đạt mua và khớp lệnh mua 200 cổ phiếu công ty A trên HOSE vào ngày 12/4/2022, và lúc này bạn chưa thể bán lại lượng cổ phiếu này mà phải chờ đến ngày 15/4/2022, tức 3 ngày sau ngày khớp lệnh thành công. Và việc bán cổ phiếu trên HOSE cũng vậy, bạn bán 200 cổ phiếu và phải 3 ngày sau tiền mới về được.
HOSE là sàn giao dịch chứng khoán được cấp phép kinh doanh chính thức và hợp pháp bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Vậy nên các bạn có thể yên tâm giao dịch chứng khoán trên HOSE và không phải lo lắng về việc bảo hộ quyền lợi.
2. Tầm quan trọng
Sàn giao dịch chứng khoán nói chung tại Việt Nam và sàn HOSE nói riêng là nơi giúp các tổ chức kêu gọi nguồn vốn bằng cách huy động từ thị trường thông qua các loại chứng khoán. Tại HOSE, các tổ chức có thể bán trái phiếu doanh nghiệp như một công cụ nợ, hoặc phát hành cổ phiếu như một công cụ vốn.
HOSE cho phép các tổ chức Việt Nam niêm yết trên sàn với đơn vị tiền tệ là VNĐ và sàn chịu trách nhiệm cấp phép niêm yết hợp pháp cho các công ty phát hành ra công chúng này.
HOSE còn là đơn vị tạo ra hệ thống đặt và khớp lệnh tự động cho hoạt động giao dịch, trao đổi chứng khoán ở nước ta.
Sàn HOSE cũng có nhiệm vụ cập nhật nhanh chóng, liên tục giá và diễn biến thị trường chứng khoán, tài chính và tình hình của các công ty đã niêm yết trên sàn HOSE. Nhờ những chức năng này mà nhà đầu tư trên HOSE có thể có được những thông tin hữu ích để đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
3. Các nhóm cổ phiếu trên sàn
HOSE là sàn giao dịch lớn nhất nước ta, và tại đây bạn có thể thấy các cổ phiếu được chia làm 3 loại chính theo vốn hóa thị trường.
3.1. Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trên HOSE
Đây là nhóm cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng cổ phiếu được niêm yết, nhưng lại có giá trị đến 80% vốn thị trường chứng khoán nước ta. Điều kiện vốn hóa của nhóm này > 10.000 tỷ đồng.
Chính bởi mức vốn hóa lớn nên nhóm cổ phiếu này trên HOSE thường dẫn dắt thị trường. Và cũng vì các công ty này có quy mô lớn cũng như hoạt động ổn định nên mức độ biến động là không cao, thích hợp với những người thích đầu tư ít rủi ro và nắm giữ lâu dài, hoặc như một kênh đa dạng hóa ít rủi ro hơn.
Có thể kể tên những cổ phiếu của nhóm này trên HOSE như: VCB, HPG, MWG,…
3.2. Nhóm cổ phiếu vốn vừa
Nhóm cổ phiếu này trên HOSE có điều kiện vốn hóa trong khoảng 1.000 đến 10.000 tỷ đồng. Tỷ trọng tầm 42% và chiếm khoảng 10% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán.
Nói chung nhóm này trên HOSE có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai nếu thị trường diễn biến tốt, qua đó giúp nhà đầu tư có được lợi nhuận tốt. Nhóm này thích hợp cho người thích đầu tư trung và dài hạn, và nó cũng có rủi ro nếu thị trường diễn biến xấu nên các bạn cũng nên cẩn thận.
Những cái tên phổ biến trong nhóm này là: IJC, NTL, AAA…
3.3. Nhóm có vốn hóa nhỏ
Nhóm cổ phiếu cuối cùng này trên HOSE có điều kiện vốn hóa từ 100 đến 1.000 tỷ đồng và là nhóm có lượng cổ nhiều nhất (đến 44,4%) nhưng giá trị chỉ khoảng 2% vốn hóa.
Nói chung đây là nhóm nhỏ nên tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh. Tuy nhiên rủi ro cũng rất lớn vì hoạt động chưa ổn định. Các cổ phiếu này thường được người thích đầu cơ chọn.
Các mã của nhóm vốn hóa nhỏ là: AAM, BRC, HAP, HTI…
4. Những chỉ số quan trọng trên sàn HOSE
Khi niêm yết, doanh nghiệp sẽ được cấp cho một mã chứng khoán riêng, và có một chỉ số quan trọng để chỉ tập hợp toàn bộ các mã công ty đã niêm yết trên HOSE, gọi là VN-Index. Nhờ chỉ số này, các nhà đầu tư có thể biết được tổng quan mức biến động của toàn thị trường chứng khoán ở một thời điểm. Bên cạnh đó, vì là chỉ số tổng trung bình lại nên VN-Index trên HOSE hay được dùng để tham chiếu.
Một chỉ số quan trọng mà bạn hay thấy trên HOSE là VN30. Chỉ số VN30 là tập hợp 30 cổ phiếu của 30 công ty lớn nhất theo vốn hóa trên thị trường, cổ phiếu các công ty top 30 này còn gọi là cổ phiếu bluechip. Chỉ số này thường được sử dụng kèm theo VN-Index để xác định rõ xu hướng thị trường.
Cũng giống VN30, VN100 là chỉ số tập hợp của 100 cổ phiếu của tổ chức lớn nhất trên HOSE.
5. Điều kiện niêm yết
Như đã đề cập, HOSE là sàn giao dịch đứng đầu cả nước và có nhiều tiêu chuẩn khó khăn hơn các sàn khác (HNX và UPCOM). Các điều kiện có thể kể đến là:
- Tổ chức muốn niêm yết trên HOSE phải liên tục thu về lãi trong 2 năm gần nhất. (HNX chỉ yêu cầu 1 năm gần nhất)
- Vốn điều lệ thấp nhất đạt 120 tỷ đồng theo giá trị sổ sách. (HNX chỉ yêu cầu 30 tỷ đồng, còn sàn UPCOM chỉ yêu cầu 10 tỷ).
- ROE của công ty nhỏ nhất là 5%, ngoài ra tổ chức không được có khoản nợ nào quá hạn trên 1 năm cũng như không được lỗ lũy kế tính đến hiện tại.
- Tổ chức niêm yết HOSE phải cam kết công khai báo cáo tài chính đúng kỳ và trung thực.
Nói chung, HOSE vẫn còn nhiều quy định khắt khe khác nhưng phần căn bản là các quy định như trên. Và những điều kiện này được HOSE đặt ra để đảm bảo các công ty có tốc độ phát triển tốt, cũng như có định hướng rõ ràng, tình hình tài chính ổn định,… tránh những rủi ro về lâu dài,
6. Kết
Như vậy chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu xong về sàn HOSE là gì, tầm quan trọng của sàn, các loại cổ phiếu trên sàn, những chỉ số liên quan và cuối cùng là điều kiện để các công ty niêm yếu. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu được tổng quan về HOSE.