Trong thị trường chứng khoán hay một số thị trường đầu tư khác như forex mà nói, thì bộ môn phân tích kỹ thuật chắc hẳn không còn quá xa lạ, đây là một trong hai nhóm phân tích chính được sử dụng trong thị trường này, ngoài ra còn có phân tích cơ bản. Mỗi chiều hướng sẽ có những quan điểm, khía cạnh khác nhau. Mỗi trader sẽ có cách sử dụng riêng để đưa ra chiến lược cho bản thân, hoặc là 1 trong 2 hoặc kết hợp cả hai. Chúng ta cùng đến với bài viết để hiểu rõ hơn về chúng.
1. Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật (TA) – Technical Analysis là quá trình nghiên cứu biểu đồ để dự đoán hành vi của thị trường trong tương lai, dựa trên diễn biến của giá cả và khối lượng giao dịch trước đó. Từ đó, các trader sẽ đề ra chiến lược mua, bán riêng để tiến hành giao dịch.
Trong TA chia thành market action và price action. Với market action sẽ xem xét nhiều góc độ như giá, khối lượng giao dịch, … Tuy nhiên, price action chỉ xem xét về giá của tài sản. Giá trong TA là sự đồng thuận giá trị giữa hai bên bán và mua, bên mua nhiều hơn bán thì giá sẽ tăng và ngược lại bán nhiều hơn mua thì giá giảm.
2. Triết lý của môn học phân tích kỹ thuật
Trong Technical Analysis có 3 triết lý chính bạn cần nắm rõ, để có thể hiểu rõ về bộ môn này. Đó chính là: Đầu tiên biến động của thị trường đã phản ánh tất cả mọi thứ, thứ hai giá biến động theo xu hướng và cuối cùng là lịch sử có thể lặp lại.
Biến động của thị trường phản ánh tất cả
Triết lý này muốn nói rằng, bạn chỉ cần nhìn vào hành động chứ không cần tìm hiểu nguyên nhân. Vậy thì tại sao lại như vậy? Theo TA thì mọi thông tin, biến động của thị trường đều được phản ánh một cách chân thật nhất vào giá. Giá tăng cho thấy lượng cầu đang cao hơn cung, bên mua đang áp đảo bên bán → điều này cũng cho thấy rằng thị trường của tài sản đang tốt, một sự gia tăng đột ngột có thể thấy đang có thông tin tốt nào đó.
Phân tích kỹ thuật, sẽ phân tích ngay trên giá, chỉ cần phân tích gián tiếp yếu tố cơ bản bởi vì thông tin trên thị trường có rất nhiều, buộc phải sàng lọc tin đúng, tin sai, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian. Đồ thị trên TA cũng cho thấy được hiện tại thị trường đang trong thế trận bò hay gấu, ghi chép thế trận rõ ràng. Vì tin tức ra thì giá cả phản ánh rất nhạy, nhiều khi thông tin chưa được công bố là đã có người mua, bán có khi biết được nguyên nhân thì lúc đó lại là thời điểm xoay chuyển trend rồi, việc nắm bắt nguyên nhân đôi khi sẽ trở nên quá trễ.
Prices move in trends (Giá biến động theo xu hướng)
Nếu không có sự tương quan thì bạn không thể nào phân tích được. Theo TA thì một khi xu hướng đã hình thành chúng sẽ tiếp diễn và tồn tại cho đến khi xu hướng bị đảo chiều. Giá của tài sản không phải là một sự ngẫu nhiên, thích thì giảm thích thì tăng, mà chúng sẽ tuân theo và tạo nên trend, thị trường sẽ có xu hướng tăng và giảm, ngoài ra còn có nằm ngang là lúc thị trường nghỉ ngơi, đó là thời điểm không nên tiến hành các giao dịch. Bạn phải nắm bắt được xu hướng, cường độ của trend như thế nào thì việc đưa ra chiến lược mới dễ dàng hơn.
Việc xem xét trend cũng như cường độ của chúng là một vấn đề rất quan trọng. Một nguyên tắc cơ bản, trend tăng thì mua, trend giảm thì bán, không nên giao dịch ngược xu hướng, sẽ làm bạn mất trắng hoặc thua lỗ. Ngoài ra, phải xác định được cường độ của xu hướng hiện tại để tránh giao dịch nhầm.
Lịch sử có thể lặp lại
TA cho rằng tương lai chỉ là sự lặp lại của quá khứ mà thôi. Lịch sử là có tính lập lại nó như một sự tiếc nuối từ quá khứ. Dẫn đến các hành động của các trader khiến thị trường quay lại như quá khứ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Ví dụ về một trường hợp của triết lý này : giá trong quá khứ của tài sản tăng từ 10 lên 15 sau đó bị sụp, về sau khi giá tăng lên đến cột mốc 15, thì trong lòng các trader có thể hiện lên một sự tiếc nuối từ quá khứ, và dẫn tới hành động tới mức giá đó thì bán. Nhưng tâm lý của các nhà đầu tư là khó lường, vì thế ta không thể chắc chắn được điều này.
3.Vai trò của phân tích kỹ thuật
Technical Analysis đóng một vai trò khá lớn trong lĩnh vực đầu tư tài chính, nhất là trong thị trường phát triển như hiện nay. Sau đây là một số vai trò của Technical Analysis
- Đưa ra tín hiệu cảnh báo. TA giúp những nhà đầu tư phát hiện những dấu hiệu lạ thông qua những cảnh báo từ chỉ báo, khối lượng giao dịch, giá cả, các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, điểm breakout, … → đưa ra quyết định đúng lúc và kịp thời.
- Hạn chế những rủi ro hết sức có thể. Nhờ những thông báo từ TA, các nhà đầu tư có thể đặt ra những điểm cắt lỗ, điểm dừng để hạn chế rủi ro thông qua một số công cụ như dải Fibonacci, ….
- Tối ưu quyết định bằng sự kết hợp. Nhờ sự đa dạng và phong phú của TA bạn có thể lựa chọn cho mình sự kết hợp của các công cụ, để có một chiến lược tối ưu nhất và phù hợp nhất .
- Dự đoán xu hướng, nhờ phân tích kỹ thuật mà các nhà đầu tư có thể dự đoán hướng đi của tài sản, nhằm đưa ra quyết định đầu tư tốt.
- Áp dụng được trên nhiều thị trường và nhiều quốc gia như chứng khoán, forex, tiền ảo, vàng, dầu, … Tạo nên một bức tranh, nhằm đưa ra kết quả cho một bức tranh chung.
- Dự báo nền kinh tế. Technical Analysis giúp dự báo nền kinh tế, phân tích giá hàng hóa → dự báo lạm phát tương lai, nguyên liệu tăng → thành phẩm tăng → lạm phát tăng.
4. Ưu và nhược điểm của Technical Analysis
Ưu điểm
Thứ nhất: Tiết kiệm thời gian. Với Technical Analysis bạn sẽ không cần bỏ thời gian tìm hiểu nguyên nhân, những nhân tố làm ảnh hưởng đến giá cả như trường phái phân tích cơ bản.
Thứ hai: Độ trễ thấp hơn phân tích cơ bản. Vì sao lại như vậy? Bởi vì với môn học phân tích kỹ thuật cho rằng mọi thông tin đã được phản ánh vào giá cả. Hầu như, giá cả luôn update trước khi thông tin được công bố chính thức.
Thứ ba: Đa dạng công cụ để phân tích, lựa chọn. Bạn có thể kết hợp nhiều công cụ để đưa ra những dự đoán, chiến lược cho tương lai một cách chuẩn xác nhất có thể. Như bạn có thể kết hợp đồ thị, chỉ báo, mẫu hình giá, ….
Thứ tư: Dễ dàng lựa điểm vào ra/ lệnh, điểm cắt lỗ, ngưỡng hỗ trợ và kháng cự…nhờ những công cụ mà phân tích kỹ thuật cung cấp. Đồng thời, bạn có thể dễ dàng quan sát giá lịch sử của tài sản một cách nhanh chóng qua đồ thị, để có cái nhìn tổng quát hơn, thấy được thị trường đi theo hướng nào và xu hướng kéo dài bao lâu trong quá khứ và hiện tại.
Nhược điểm
Thứ nhất: Nhiều khi dẫn đến những dự đoán sai. Bởi vì những chiến lược đề ra thông qua phân tích kỹ thuật cũng chỉ là những đánh giá mang tính chủ quan, cá nhân và tất cả chỉ là dự đoán. Vì thế việc đưa ra những dự đoán sai là khó tránh khỏi.
Thứ hai: Chỉ báo, mẫu hình đôi khi không chính xác. Nói đúng hơn là dễ bị nhiễu bởi những tin tức nhất thời, hay những tín hiệu giả của các chỉ báo do sự quá nhạy của chúng. Hoặc việc bạn kết hợp không đúng các chỉ báo có thể dẫn đến những sai lầm, có khi làm bạn rối hơn trong việc đưa ra các quyết định
Thứ ba: Bạn phải có kiến thức, tầm nhìn và khả năng đánh giá suy luận để đưa ra chiến lược phù hợp. Nếu bạn không có những hiểu biết thì việc bạn áp dụng Technical Analysis cũng không giúp ích gì cả. Đôi khi còn bị nó đánh lừa.
Mặc dù phân tích kỹ thuật là một phương pháp tỏ ra vô cùng hữu ích, tuy nhiên vẫn sẽ không thể nào chiến thắng được hoàn toàn thị trường và tâm lý của con người. Bên cạnh đó nó cũng gặp phải những chỉ trích, những phản ứng trái chiều vì thị trường là bất hoàn hảo và có lúc không phải sự thay đổi về giá là do thông tin thị trường. Đôi khi, bạn nên có sự kết hợp giữa phân tích cơ bản và kỹ thuật, chúng sẽ tạo nên một bức tranh chính xác hơn. Vì thế, bạn cần sáng suốt cả kiến thức lẫn tâm lý khi tham gia vào đầu tư.